Dịch vụ kế toán Gia Long

Thành lập công ty, Báo cáo thuế

Kế toán dịch vụ và đào tạo kế toán

Dịch vụ báo cáo thuế

Công ty dịch vụ kế toán
Đào tạo kế toán thuế
Thành lập công ty, Báo cáo thuế, Kế toán dịch vụ và đào tạo kế toán. Liên hệ chúng tôi, quý khách sẽ hài lòng
Liên kết mạng xã hội
Hotline hỗ trợ
0902 688 007

Bài viết

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá thị trường khi phân tích so sánh và loại trừ khác biệt

  • 31/07/2018 - 08:46:38
  • 1521

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 20/2017/NĐ-CP
  • Thông tư 41/2017/TT-BTC

Theo quy định tại nghị định 20/2017/NĐ-CP thì khi phân tích so sánh để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận, phải phân tích, xác định và thực hiện điều chỉnh loại trừ khác biệt trọng yếu theo các yếu tố so sánh và phải phù hợp với từng phương pháp xác định giá giao dịch liên kết.

Yếu tố so sánh:

  • Đặc tính sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ, tài sản
  • Chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh
  • Điều kiện hợp đồng
  • Điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch

Cụ thể:

1. Đặc tính sản phẩm

Bao gồm các đặc tính có ảnh hưởng chủ yếu đến giá của sản phẩm. Các yếu tố phản ánh đặc tính sản phẩm chủ yếu bao gồm:

Đặc tính hàng hóa hữu hình như đặc tính vật lý, chủng loại sản phẩm, chất lượng, nhãn hiệu thương mại của sản phẩm, độ tin cậy, tính sẵn có và sản lượng cung cấp; đặc tính dịch vụ như bản chất, mức độ phức tạp, chuyên môn và phạm vi dịch vụ; đặc tính tài sản vô hình như hình thức chuyển giao, loại hình tài sản, hình thức sở hữu, thời hạn, mức độ bảo vệ, thời gian chuyển giao, các quyền được chuyển giao và các lợi ích có thể thu được từ việc sử dụng tài sản vô hình.

  • Chủng loại sản phẩm (mô tả tính chất sản phẩm là hàng hóa hữu hình, bản quyền, bí quyết công nghệ hoặc dịch vụ…) và đặc điểm vật chất của sản phẩm (vật liệu cấu thành, tính chất cơ, lý, hóa…);
  • Chất lượng, nhãn hiệu thương mại của sản phẩm;
  • Tính chất chuyển giao sản phẩm mua, bán có hoặc không kèm theo điều kiện như độc quyền phân phối, li-xăng, nhượng quyền thương hiệu…

Ví dụ: Doanh nghiệp A là doanh nghiệp độc lập chuyên sản xuất khăn bông các loại (100% sợi bông), trong đó khăn bông loại A kích cỡ 120 cm x 60 cm.

Công ty M là công ty con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam chuyên sản xuất khăn bông các loại (100% sợi bông), trong đó khăn bông loại A kích cỡ 121 cm x 60 cm để bán (xuất khẩu) cho công ty mẹ tại nước ngoài.

Giả định: Các yếu tố khác phản ánh đặc tính của cả 2 sản phẩm khăn bông của hai công ty A và M là tương đương.

Phân tích so sánh:

Sản phẩm khăn bông của doanh nghiệp A và công ty M được coi là sản phẩm có đặc tính sản phẩm tương đương (sự khác biệt 1 cm chiều dài khăn là không trọng yếu).

2. Chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh

a. Chức năng hoạt động của Doanh nghiệp

Bao gồm

  • Nghiên cứu, phát triển
  • Sản xuất gồm sản xuất tự chủ, sản xuất cấp phép, sản xuất theo hợp đồng, gia công, lắp ráp, cài đặt thiết bị;
  • Mua bán, quản lý nguyên vật liệu và các hoạt động mua bán khác;
  • Phân phối gồm phân phối tự chủ, phân phối rủi ro hạn chế, đại lý hoa hồng, phân phối bán buôn, phân phối bán lẻ;
  • Cung cấp dịch vụ hỗ trợ như pháp lý, kế toán tài chính, tín dụng thu nợ, đào tạo và quản lý nhân sự;
  • Cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu kho; thực hiện phát triển thương hiệu như hoạt động marketing, quảng cáo, quảng bá, nghiên cứu thị trường và chức năng khác trong chuỗi giá trị ngành.

Ví dụ 1: Công ty N (là bên liên kết tại Việt Nam của công ty đa quốc gia X) trong năm 200x có một số thông tin sau:

  • Thực hiện sản xuất thuốc tân dược trên dây chuyền sản xuất do công ty đầu tư, theo bản quyền do một công ty trong tập đoàn X cung cấp.
  • Bán (xuất khẩu) cho công ty X theo các hợp đồng đã ký kết ổn định từ đầu năm;
  • Không tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm nào.
  • Khi so sánh giao dịch liên kết với công ty X và giao dịch độc lập, công ty N phải thực hiện phân tích so sánh chức năng với một doanh nghiệp độc lập có chức năng tương tự như công ty N để loại trừ các khác biệt. Do lĩnh vực sản xuất thuốc tân dược thường gắn liền với hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới nên trường hợp doanh nghiệp độc lập được lựa chọn có chức năng nghiên cứu, phát triển thì công ty N phải loại trừ khác biệt này.

Ví dụ 2: Tiếp theo ví dụ 1 nêu trên, giả sử công ty N, ngoài việc thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược có làm thêm dịch vụ đại lý nhập khẩu và phân phối dược phẩm tại Việt Nam cho công ty mẹ X.

Hoạt động đại lý là một chức năng bổ sung mà công ty N đã thực hiện, đã bỏ chi phí và chịu rủi ro của ngành kinh doanh dịch vụ đại lý. Hoạt động này là giao dịch liên kết của công ty N. Trường hợp này, công ty N phải xác định và kê khai doanh thu hoa hồng đại lý theo các phương pháp xác định giá thị trường được quy định tại thông tư 41/2017/TT-BTC

Ví dụ 3: Công ty M là công ty đa quốc gia tại nước ngoài có giao dịch bán buôn điện thoại di động T theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã được đăng ký tại Việt Nam với công ty A là bên liên kết và Công ty B là công ty độc lập.

Công ty A thực hiện phân phối bán lẻ điện thoại di động T, cấp thẻ bảo hành cho mỗi điện thoại bán ra và trực tiếp thực hiện dịch vụ bảo hành.

Công ty B thực hiện phân phối bán lẻ điện thoại di động T, cấp thẻ bảo hành cho mỗi điện thoại bán ra nhưng không thực hiện dịch vụ bảo hành mà thoả thuận sẽ thanh toán cho công ty A 5 USD đối với mỗi điện thoại do công ty A thực hiện sửa chữa trong thời gian bảo hành.

Khi so sánh giao dịch liên kết giữa A và M với giao dịch độc lập giữa B và M, công ty A phải phân tích so sánh chức năng giữa công ty A và công ty B và loại trừ khác biệt:

  • Chức năng hoạt động của hai công ty có sự khác nhau về việc cung cấp dịch vụ bảo hành, trong đó công ty A thực hiện nhiều chức năng hơn, sử dụng nhiều nguồn lực hơn và có khả năng thu lợi nhuận cao hơn công ty B.
  • Công ty A phải điều chỉnh chức năng bảo hành sản phẩm bằng cách loại trừ các chi phí và doanh thu thực tế liên quan đến việc thực hiện dịch vụ bảo hành của công ty A.
  • Trường hợp chức năng “bảo hành” chỉ diễn ra trong một vài lần với giá trị chi phí và doanh thu không đáng kể, tức là không trọng yếu thì không cần thực hiện điều chỉnh khác biệt này.

b. Tài sản của Doanh nghiệp bao gồm

  • Tài sản vô hình:
    • Bí quyết kỹ thuật, bản quyền, Bí quyết kinh doanh, công thức bí mật
    • Bằng sáng chế,
    • Các tài sản vô hình liên quan tới hoạt động thương mại, marketing như thương hiệu, hệ thống xây dựng và nhận diện thương hiệu, danh sách, số liệu và quan hệ với khách hàng
  • Tài sản hữu hình:
    • Nhà xưởng, máy móc, thiết bị;
    • Các tài sản tài chính và các quyền lợi, lợi ích kinh tế từ các tài sản này trong quá trình khai thác, sử dụng và chuyển nhượng tài sản.

c. Rủi ro chính trong kinh doanh gồm

  • Rủi ro chiến lược hoặc rủi ro thị trường do thực hiện các chiến lược kinh doanh như thâm nhập, mở rộng hoặc duy trì thị trường;
  • Rủi ro về cơ sở hạ tầng hay rủi ro hàng tồn kho;
  • Rủi ro tài chính như rủi ro tín dụng và nợ xấu, rủi ro tỷ giá hối đoái;
  • Rủi ro giao dịch như các yếu tố giá và điều khoản thanh toán trong giao dịch thương mại;
  • Rủi ro sản phẩm từ thiết kế phát triển, sản xuất đến quản lý chất lượng và dịch vụ sau bán hàng;
  • Rủi ro kinh doanh từ các khoản đầu tư vốn và số lượng khách hàng và các rủi ro bất khả kháng.

3. Điều kiện hợp đồng khi thực hiện giao dịch:

Bao gồm các quy định hoặc giao ước về trách nhiệm, quyền lợi của các bên khi tham gia giao dịch kinh doanh. Điều kiện hợp đồng khi thực hiện giao dịch sau đây được gọi là “điều kiện hợp đồng” chủ yếu bao gồm:

  • Khối lượng, điều kiện giao hoặc phân phối sản phẩm;
  • Thời hạn, điều kiện và phương thức thanh toán;
  • Điều kiện bảo hành, thay thế, nâng cấp, chỉnh sửa hoặc hiệu chỉnh sản phẩm;
  • Điều kiện về đặc quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm;
  • Các điều kiện có ảnh hưởng kinh tế khác

Ví dụ: Dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kiểm tra chất lượng, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ quảng cáo, khuyến mại…

Trong mọi trường hợp dù có hay không có hợp đồng bằng văn bản, căn cứ xác định các điều kiện hợp đồng là các sự kiện thực tế hoặc các dữ liệu tài chính, kinh tế phản ánh bản chất của giao dịch.

4. Điều kiện kinh tế khi diễn ra giao dịch:

Bao gồm các yếu tố về điều kiện kinh tế trên thị trường tại thời điểm diễn ra giao dịch ảnh hưởng đến giá của sản phẩm. Điều kiện kinh tế khi diễn ra giao dịch sau đây được gọi là “điều kiện kinh tế” chủ yếu bao gồm:

  • Quy mô và vị trí địa lý của thị trường sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm;
  • Thời gian và tính chất hoạt động của giao dịch trên thị trường

Ví dụ: Giao dịch thuộc hoạt động bán buôn, bán lẻ thông thường, phân phối độc quyền, sự phân đoạn thị trường theo đối tượng tiêu dùng sản phẩm.

  • Mức độ cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường;
  • Các yếu tố kinh tế tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh tại nơi diễn ra giao dịch (ví dụ: các loại thuế, phí, các ưu đãi tài chính);
  • Chính sách điều tiết thị trường của Nhà nước.
  • Liên hệ
  • 487/47A/44/1 Huỳnh Tấn Phát, Tân Thuận Đông, Quận 7, Hồ Chí Minh
  • 0902 688 007
  • tuvanvadaotaogialong@gmail.com
  • www.ketoangialong.com
  • Phần mềm Kế toán doanh nghiệp
Youtube Yahoo Twitter Google+ Facebook
Bản đồ
2018 Copyright © Kế toán Gia Long. All rights reserved. Design by NINA Co.,Ltd
  • Đang online: 2
  • Tuần: 0
  • Tháng: 0
  • Tổng: 665747
Back to Top